TRANG CHỦ » THUỐC TỪ ĐỘNG VẬT » CHIM CÁC LOẠI
Công dụng Bìm bịp_của TS Phạm Xuân Sinh

Rượu bìm bịp bổ thận tráng dương

   Trong dân gian, lưu truyền câu chuyện về một cây thuốc, có tên là cây bìm bịp. Sở dĩ có cái tên giống với cái tên của một loài chim quý, có ở nước ta, nhiều nhất là ở miền đông Nam Bộ, là vì từ cây thuốc này, theo như lời chuyện kể, con chim bìm bịp đã tự lấy lá của cây thuốc đó để đắp vào chỗ  xương bị gẫy, do  trúng tên.

 Lại một câu chuyện khác của miền đông Nam Bộ, cho rằng, chim bìm bịp con,  bị bẻ gẫy chân, bìm bịp mẹ đã lấy lá cây  thuốc này, đắp vào chỗ xương gẫy của con. Do đó cây thuốc đã mang tên bìm bịp. Và sau này, con người đã bắt chước chim bìm bịp, lấy chính cây thuốc  này làm thuốc chữa đau xương, gẫy xương. Câu chuyện kể về chim lấy cây làm thuốc thực hư như thế nào, không rõ, song trên thực tế, chim bìm bịp là có thật. Ở nước ta, chim bìm bịp, có hai loài, loài lớn Centropus sinensis intermedius  Hume và loài bìm bịp nhỏ Centropus  bengalensis  Gmelin. Chúng đều là những loài chim định cư, thân dài, mỏ to, nhọn, đôi mắt nhỏ, màu đỏ, có đuôi dài hơn cánh. Khi còn nhỏ, thân có lông màu nâu, chấm đen, khi trưởng thành, đầu, mỏ, cổ ngực, đuôi có màu xám đen, song  ngực và hai cánh, lại có lông màu đỏ. Cả hai loài, đều ưa sống ở ven sông suối, nơi có nhiều bụi cây rậm rạp. Loài bìm bịp lớn sống chủ yếu ở vùng đồng bằng, trung du, sườn núi, thường ở vùng có độ cao 600m trở xuống; còn loài nhỏ sống chủ yếu ở vùng có độ cao không quá 800m. Thức ăn của bìm bịp đa phần là động vật (ếch, cóc, nhái...), côn trùng như cào cào, mối, chuồn chuồn, và các loài thực vật

cánh hoa và cỏ dại; đặc biệt là rắn, loại thức ăn khoái khẩu của  bìm bịp.

Điều chế rượu bìm bịp

Bìm bịp - vị thuốc bổ thận tráng dương?

YHCT cho rằng, thịt bìm bịp có vị ngọt, mặn. Tính ấm, không độc, có tác dụng bổ huyết, bổ thận dương,  tiêu ứ huyết, giảm đau, tiếp cốt. Dùng trong các trường hợp thận dương suy yếu gây chứng liệt dương, di tinh, tiết tinh sớm, còn dùng khi bị gẫy xương, giúp cho xương chóng liền,  hoặc chữa đau lưng, đau nhức xương khớp, đau gối,  đau dây thần kinh, các chứng hư lao, suy nhược cơ thể, da dẻ xanh xao do thiếu máu, nhất là phụ nữ sau khi sinh, suy yếu của người già.

Trước hết, đem bìm bịp vặt bỏ lông, mổ bỏ tạng phủ, không nên  dùng nước để rửa mà lấy rượu gừng (30g gừng tươi, rửa sạch, giã nát, ngâm trong 100ml rượu 35- 40 độ) để lau sạch máu và các vết bẩn.

Để khô, rồi tiến hành ngâm rượu. Thường ngâm 2 con một bình, nếu số lượng ít. Với số lượng lớn hơn, nên làm thành nhiều đôi. Dùng rượu ngâm 3 lần. Lần đầu, dùng rượu có nồng độ 60 độ, đổ ngập,  ngâm trong 3 tháng, lần 2-3, dùng rượu 35- 40 độ, ngâm trong 2 tháng, 1 tháng, gộp dịch chiết rượu của 3 lần lại. Cũng cần biết thêm rằng, do quan niệm bìm bịp ăn rắn, và có lẽ do món ăn độc đáo này mà bìm bịp có các tác dụng chữa bệnh quý như vậy, do đó nhiều khi người ta còn cho bìm bịp  ăn rắn, sau 3 ngày mới giết chúng, hy vọng sẽ tăng thêm tác dụng điều trị của bìm bịp.

Mặt khác để tăng thêm tác dụng bổ nội tiết, bổ sinh dục, người ta còn ngâm bìm bịp với cá ngựa, hoặc bìm bịp với cá ngựa và tắc kè, hoặc bìm bịp với rắn (1 con hổ mang, 1 con  cạp nong, 1 con cạp nia,  1 con  rắn ráo, 1 con hổ trâu hoặc 1 con dọc dưa). Khi ngâm rượu bìm bịp với cá ngựa và tắc kè, mỗi loại cũng dùng một đôi, một con đực, một con cái. Nếu ngâm bìm bịp với rắn, cần tính trọng lượng của các đôi bìm bịp, sao cho cân bằng với trọng lượng của cả bộ ngũ xà nói trên. Có thể cùng ngâm các loại nguyên liệu nói trên vào một bình.

Song song với việc ngâm bìm bịp, có thể tiến hành ngâm một bình rượu thuốc, gồm các vị thuốc, như hà thủ ô đỏ, ba kích, nhục thung dung, mỗi vị 200g, sâm cau, 100g, huyết giác 20g, đại hồi, hoặc tiểu hồi, trần bì, mỗi vị  10g. (Nếu ngâm với rắn thì bỏ tiểu hồi, và thay bằng 50g thiên niên kiện). Dùng rượu trắng 35-40 độ, với tỷ lệ, một phần thuốc, 5 - 8 phần rượu. Số ngày ngâm, có thể ít hơn ngâm bìm bịp. Lần 1, ngâm 1 tháng, lần 2-3, ngâm  2 - 3 tuần lễ. Gộp dịch thuốc của các lần ngâm lại. Sau đó, có thể tiến hành pha chế theo tỷ lệ 1 : 1 (một phần rượu  bìm bịp, hoặc bìm bịp - tắc kè, cá ngựa, hoặc bìm bịp - rắn), một phần rượu thuốc), hoặc 1 : 2. Đem rượu  bìm bịp , rót từ từ vào rượu thuốc, vừa rót vừa dùng đũa thủy tinh quấy đều, để tránh rượu bị tủa. Có thể pha thêm ít đường trắng cho dễ uống. Tùy theo khối lượng của từng loại nguyên liệu động vật, đem ngâm rượu, song lượng rượu thành phẩm  có được  gấp khoảng 8-10 lần về trọng lượng của nguyên liệu động vật đem ngâm. Nên dựa theo tiêu chí này để phối hợp với rượu thuốc cho phù hợp.

Rượu bìm bịp, có màu nâu thẫm,  mùi thơm, vị đậm, hơi ngọt. Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 30-50ml, uống trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Không dùng rượu bìm bịp cho phụ nữ có thai. Rượu bìm bịp có nhiều công dụng tốt, đặc biệt để bổ thận dương. Tuy nhiên, để có nguyên liệu sử dụng một cách bền vững, ngay từ lúc này cũng nên có kế hoạch nuôi dưỡng  bìm bịp, giống như đã thuần hóa các  loại động vật khác như gà rừng, lợn rừng, nhím, rắn...   

Tác giả: TS Phạm Xuân Sinh/ SK&ĐS
Các Bài Viết Khác
LƯƠNG Y MINH PHÚC
BẢN ĐỒ PHÒNG KHÁM
Phóng To Bản Đồ
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Đọc Sách Online
Tác giả: Lương Y Minh Phúc
Nhà xuất bản Y Học 2013
Số trang: 600 trang
Giá bán: 300.000 đ
Có bán tại hiệu sách hoặc điện thoại số 0903051388 gửi sách tận nơi.
GIỜ LÀM VIỆC
Sáng: Từ 7 giờ 30 đến 11 giờ
Chiều: Từ 16 giờ 30 đến 21 giờ
Chiều Thứ 7 và Chủ Nhật nghỉ.
Liên hệ: 0938895850
Vui lòng để lại tin nhắn khi máy bận.
THỐNG KÊ TRUY CẬP