TRANG CHỦ » THUỐC TỪ ĐỘNG VẬT » THỦY SẢN NGAO SÒ ỐC HẾN...
Công dụng Cua đồng_Minh Phúc Tổng hợp

CUA ĐỒNG

Mô Tả:

Cua đồng co kích thước nhỏ hơn cua biển. Thân có mai hình vuông Kích thước tương đối lớn: 30-35 mm, mai hình hộp có gờ cao. Cua đồng cái có 4 đôi chân bụng, cua đực có 2 đôi chân bụng biến thành chân giao cấu. Ngoài ra cua đồng đực có sự chênh lệch rất lớn về độ lớn của đôi càng kẹp trong khi cua đồng cái thì tương đối đồng đều.

-Theo Sách Dược tính chỉ nam “Cua đồng(điền giải) vị mặn, tính lạnh, hơi có độc, gạch mỡ cua đồng có thể , tiếp được xương nối được gân, chữa chứng phong tà phát sốt, giã được các chất độc ra, chữa được chứng ngã vấp hay đánh đòn, chứng mun nhọt ung thư, có thể đánh tan máu đọng, tích tụ.”

Phân bố, sinh thái:

Chúng phân bố rộng ở vùng nước ngọt, từ đồng bằng, trung du, miền núi nước ta. Độ pH thích hợp từ 5,6 - 8, nhiệt độ từ 10 - 31oC, tốt nhất là 15 - 25oC, lượng oxy hòa tan thấp nhất là 2mg/l.

Cua đồng là động vật sống đáy, ưa nước sạch, đào hang thích nghi với bùn sét, bùn cát. Cua đào hang ven bờ ruộng, ao, mương… Hang cua khác với hang của rắn, ếch… bằng vết chân để lại trên ruộng.Cua đồng ăn tạp nhưng thiên về động vật, cua ăn các loại thức ăn như cá tạp, ốc, hến...

Cua đồng sinh sản quanh năm, tập trung chủ yếu vào mùa xuân, hạ, thu. Cua đồng đẻ mỗi lần từ 100 đến 350 trứng, trứng không qua giai đoạn ấu trùng mà phát triển trực tiếp thành cua con ngay trong yếm cua mẹ.

Bộ phận dùng:

Cả con cua có tên thuốc trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian là điền giải. Cua bắt về, rửa sạch, dùng sống, không phải chế biến.

Cua đồng được sử dụng làm thực phẩm rất ngon như bún rêu, canh cua... Ngoài ra cua đồng còn được dùng trong làm thuốc trị bệnh.

Thành phần hóa học:

Thịt cua đồng chứa 12,3% protid; 3,3% lipid; 5.040mg% Ca; 430mg% P; 4,7mg% Fe; 0,01mg% vitamin B1; 0,51mg% vitamin B2; 2,1mg% vitamin PP; 0,12mg% vitamin B6; 125mg% cholesterol; 0,25mg% melatonin... Đặc biệt, mai cua có nhiều chất chitin.

Tính vị, công năng:

Cua đồng có vị mặn, mùi tanh, tính hàn, hơi độc, có tác dụng tán kết, hoạt huyết, hàn gân xương.

Công dụng:

Trị còi xương ở trẻ em: cua đồng 100g. Rửa sạch, bỏ yếm, mai chân và càng, để ráo, rang nhỏ lửa đến khô vàng. Xay, rây lấy bột mịn. Mỗi ngày dùng 1 - 2 thìa cà phê (5 - 10g) pha với bột gạo, đun chín. Giúp trẻ nhỏ cứng cáp, nhanh biết đi.

Chữa vết thương tai nạn đụng giập, đau nhức: cua đồng 2 - 5 con, rửa sạch, giã nát, hòa thêm 1 chén rượu, đun sôi, gạn nước uống, bã đắp vào chỗ đau.

Chữa viêm thận cấp: cua đồng 200 - 250g, vỏ rễ dâu tươi 50 - 100g. Cua đồng bỏ yếm và mai, rửa sạch; vỏ rễ dâu rửa sạch thái đoạn; tất cả giã nát, lọc lấy nước, đun sôi uống trong ngày.

Chữa tâm trạng bồn chồn, kém ăn ít ngủ: cua đồng 200g, khoai sọ 60g, rau rút 1 mớ. Cua đồng bỏ yếm và mai, rửa sạch giã nát, lọc lấy nước, cho mắm muối vừa ăn; khoai sọ cạo bỏ vỏ, rửa sạch bổ miếng vừa ăn, rau rút lấy phần lá, cọng non, bỏ rễ và bấc ngắt đoạn, rửa sạch. Cho khoai vào nước cua, nấu đến khi khoai chín nhừ, cho rau rút vào, đun vừa chín là được. Ăn trong ngày; dùng liền 2 - 3 ngày.

Giải nhiệt mùa hè, trị lở ngứa: cua đồng 200g, rau đay 100g, mồng tơi100g, mướp hương 1 - 2 quả. Cua đồng bỏ yếm và mai, giữ lại gạch cua, rửa sạch giã nát, lọc lấy nước, cho mắm muối vừa ăn; rau đay, mồng tơi rửa sạch cắt đoạn; mướp gọt bỏ vỏ, rửa sạch, thái miếng. Đun nước cua với gạch đến sôi, gạt phần gạch nổi sang một bên; cho mướp và rau vào, đun đến khi mướp chín trong là được.

Chữa gãy xương: Cua đồng ướp muối, đem giã nhỏ, đắp vào chỗ xương gãy, băng nẹp bằng cành dâu trong 3 ngày. Tiếp đó, lấy một nõn lá cau non giã nhuyễn với một nắm xôi hoặc cơm nếp, đắp, cứ hai ngày thay thuốc một lần trong 4 ngày. Rồi lấy một nắm lá si, một nắm lá sở, rửa sạch, giã nát, trộn với lòng trắng trứng, đắp băng trong vòng hai ngày. Làm như vậy 3 lần.

Chữa bong gân: Chân cua đồng 100g, vỏ thân cây gạo 100g, lá đinh lăng 200g, giã nhỏ, trộn với bột tô mộc 50g và bột đinh hương 20g, rồi đắp, băng lại. Mỗi ngày làm một lần (Kinh nghiệm của Tổ y học dân tộc Yên Thế - Bắc Giang).Chữa tâm trạng bồn chồn, kém ăn, ít ngủ: Cua đồng bỏ mai, yếm, rửa sạch, giã nhuyễn, thêm nước, gạn hay lọc, rồi nấu với rau rút, khoai sọ ăn trong ngày. Dùng 2-3 ngày.

Chữa hở thóp ở trẻ nhỏ: Cua đồng giã nát với bạch cập, lượng bằng nhau, đắp cho đến khi thóp kín. Khoảng vài ngày thay thuốc một lần. Sách thuốc cổ còn ghi cua đồng chữa mụn nhọt, ứ huyết, lở sơn, sốt rét, vàng da.

Dùng ngoài, lấy chân cua đồng giã nhỏ, đắp và ngậm chữa chân răng sưng đau, có mủ. Không được uống. Gạch ở mai cua đồng đắp chữa lở sơn (Nam dược thần hiệu).

Theo tài liệu nước ngoài, ở Trung Quốc, người ta dùng cua đồng tươi nấu cháo ăn nóng để chữa trướng bụng, chứng phù tim. Cua đồng 250g nấu canh với vỏ cây dâu 50g trị bệnh viêm thận cấp. Mai cua sao vàng, tán bột, dùng riêng mỗi lần 5-10g uống với rượu nếp có tác dụng phòng tránh thai, chữa đau bụng sau khi sinh; nếu phối hợp với vảy tê tê 10g, gai bồ kết 7 cái, tán bột, uống với rượu là thuốc chữa sưng tấy.

Ghi chú: Không dùng loại cua đồng mắt đỏ, có lông ở bụng, có chấm ở lưng và có khoang ở chân (Nam dược thần hiệu).

Không nên uống nước cua sống để tăng sức dẻo dai trong các cuộc thi đấu vật như tập quán của nhân dân ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang hoặc chữa ngộ độc sắn, bị ngã ứ huyết như có sách đã nêu; vì cua đồng là vật trung gian nguy hiểm mang ấu trùng gây bệnh sán lá phổi.

Dongyminhphuc.com

Chia sẻ

Tác giả: Minh Phúc
Các Bài Viết Khác
LƯƠNG Y MINH PHÚC
BẢN ĐỒ PHÒNG KHÁM
Phóng To Bản Đồ
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Đọc Sách Online
Tác giả: Lương Y Minh Phúc
Nhà xuất bản Y Học 2013
Số trang: 600 trang
Giá bán: 300.000 đ
Có bán tại hiệu sách hoặc điện thoại số 0903051388 gửi sách tận nơi.
GIỜ LÀM VIỆC
Sáng: Từ 7 giờ 30 đến 11 giờ
Chiều: Từ 16 giờ 30 đến 21 giờ
Chiều Thứ 7 và Chủ Nhật nghỉ.
Liên hệ: 0938895850
Vui lòng để lại tin nhắn khi máy bận.
THỐNG KÊ TRUY CẬP