TRANG CHỦ » THUỐC TỪ ĐỘNG VẬT » THỦY SẢN CÁ CÁC LOẠI
Công Dụng Cá Rô Đồng_DS Trần Việt Hưng

Giá Trị Dinh Dưỡng Của Cá rô

Cá Rô đã đi vào văn học dân gian qua câu chuyện khôi hài về một thày đồ xứ Nghệ vì quá nghèo nhưng vẫn muốn giữ thể diện nên làm một con cá rô bằng gỗ, mang theo mình để đến mỗi bữa cơm.. đem ra dùng đỡ! Người miền Bắc khi di cư vào Nam năm 1954 đã không khỏi bực tức khi được gọi dưới những tên: Dân rau muống và cá rô.. cây..


Văn học dân gian miền Nam còn có câu ví: ‘Cạn sòng mới biết .. sặc, rô!’
Và trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam, cá rô và cá bống là ha loài cá được nhắc nhở nhiều nhất:‘Cá rô, canh cải nấu gừng
Không ăn thì chớ, xin đừng mỉa mai..’ hay:
‘Cá rô ăn móng trong bùn
Biết đâu nhân hậu chỉ giùm cho... em’
Một số địa phương tại Việt Nam còn dược nổi tiếng nhờ .. cá rô :
‘Cá rô Đầm Sét, cá chép Mầm Đại’
và ‘Cá rô Bàu nón, kho với nước tương Nam Đàn
Gạo tháng 10, cơm mới, đánh tràn... không biết... no’
Khi nhắc đến món cá kho, nhà văn Nguyễn Đức Trọng đã quả quyết cá rô là một trong các loại cá, mà khi kho thì ăn sẽ ..nhớ đời (các loại cá kia được Ông ghi nhận là cá Chày, cá Chép, cá Mè, cá Trắm và cá Trê). Cũng trong bài ‘Cá Kho’ (trong điện báo Ánh Dương), Ông đã phân tách các cách kho cá của ba miền tại Việt Nam .. và cá rô kho miền Nam được xem là khá... phóng khoáng nên Nhạc Sĩ Bắc Sơn trong bài hát ‘Còn Nghe Thương Thầm’ đã ghi lại : ‘... Tô canh rau đắng và tô cá rô kho, chớ gì đâu mà nhớ...’
Cá rô là một loài cá có những đặc tính kỳ lạ như có thể di chuyển trên các vùng đất cạn, xấp nước, từ một vùng nước này sang vùng nước khác. Cá được gọi tại Âu Mỹ dưới tên Climbing Perch.. nhưng cá thật sự không thể.. trèo cao! Có những tác giả ghi chép là bắt được cá .. trên ngọn cây, thật ra cá có lẽ bị kẹt lại tại đó khi nước dâng lên cao và rút xuống quá nhanh nên cá rút theo không kịp..

Tên khoa học và các tên khác:
Anabas testudineus thuộc họ cá Anabantidae

Tên Anh-Mỹ: Climbing Perch

Thái: Pla mor, Pla sadet; Cambodia: Trey kranh; Lào: Pa Kheng

Đặc tính sinh học:
Cá dài khoảng từ 8 đến 25 cm, trung bình thường gặp là 10-15 cm. Thân màu nâu, thuôn và gần như hình ống về phía đầu. Đầu cứng. Mắt to; Miệng trung bình, hơi tù về phía mõm thường hơi hướng về phía trên. Vi hậu môn và vi lưng màu xậm.

Cá rô tạo ra ổ cho cá mái đẻ trứng, mỗi lần có thể đẻ đến 5000 trứng, cá đực canh giữ trứng đến khi trứng nở (1-2 ngày sau đó).
Cá thuộc loại ăn tạp và sinh sống tại những vùng nước chảy chậm như ao hồ, ruộng nước; phân bố rộng từ Ấn độ, Đông Nam Á sang đến Philippines, cá được du nhập vào Papua Tân guinê..

Cá rô chịu đựng được những điều kiện thổ nhưỡng khó khăn, sống được trong nước đực, ao tù. Trong mùa khô cá có thể vùi mình dưới bùn, ăn cây cỏ, tép và cá bột. Tại vùng châu thổ sông Cửu long, cá được cho là có khả năng di chuyển vào các nhánh sông nhỏ khi nước lên và sau đó trở về lại nơi đã sinh sống từ trước khi nước xuống. Cá có thêm một cơ quan thở phụ, có thể thở bằng không khí ngoài trời, nên có thể sống được cả tuần nơi khô cạn, không nước miễn là cơ quan thở có đủ độ ẩm cần thiết. Cá cũng được cho là có khả năng’ đi’ bằng bụng (trườn bằng cách quẫy đuôi giống cá lóc) và trong điều kiện môi trường vừa đủ ẩm ướt, cá có thể đi xa cả trăm thước..

Cá rô tuy nhiều xương, nhưng vẫn được xem là một loại cá cung cấp thịt khá ngon, nấu canh rất ngọt và là nguồn thực phẩm quan trọng cho nông dân Đông Nam Á .

Thành phần dinh dưỡng:
100 gram phần ăn được (bỏ xương) chứa:
- Calories 103
- Chất béo 1.5 g
- bão hòa 0.3 g
- chưa bão hòa mono 0.7 g
- chưa bão hòa poly 0.5 g
- cholesterol 45 mg
- Chất đạm 20.3 g
- Sodium 82. 0 mg
- Potassium 297.5 mg
- Calcium 116.5 mg
- Sắt 1.0 mg
- Magnesium 33.2 mg
- Vitamin B12 1.0 mcg
- Vitamin B6 0.2 mg
- Niacin 2.1 mg
- Riboflavine 0.1 mg
- Thiamine 0.1 mg

Về phương diện dinh dưỡng, cá rô có thể được xem là giúp bổ xương (khi chiên dòn, ăn cà xương lượng calcium sẻ khá cao), cá còn là nguồn chất đạm rẻ tiền, ít chất béo (so với cá trê, cá tra). Cá rô có thể gây vết thương cho người bắt cá nếu không thận trọng vì vi lưng của cá khá cứng và có đến 16-20 gai nhọn.

Tại Mã lai, một số người đã nuôi cá rô trong nhà vì cho rằng cá rô có khả năng .. trừ được tà ma!

Cá rô trong dược học cổ truyền:
Dược học cổ truyền Trung Hoa và Việt Nam gọi cá rô là Quyết Ngư, hay Kế Ngư, Thạch Quế Ngư.

Thịt cá rô được xem là có tính bình, vị ngọt, không độc; có các tác dụng bổ được ‘hư lao’, ích cho tỳ vị, chữa được các chứng ‘tràng phong hạ huyết’, ích được khí lực làm người dùng có cảm giác khoẻ khoắn.

Mật cá rô hay Quyết ngư đảm được dùng để trị hóc xương, trị dầm gai hay các loại gai hóc trong cổ họng (dùng mật khô, hòa với rượu, hớp rồi nhổ ra)

Tác giả: DS Trần Việt Hưng
Các Bài Viết Khác
LƯƠNG Y MINH PHÚC
BẢN ĐỒ PHÒNG KHÁM
Phóng To Bản Đồ
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Đọc Sách Online
Tác giả: Lương Y Minh Phúc
Nhà xuất bản Y Học 2013
Số trang: 600 trang
Giá bán: 300.000 đ
Có bán tại hiệu sách hoặc điện thoại số 0903051388 gửi sách tận nơi.
GIỜ LÀM VIỆC
Sáng: Từ 7 giờ 30 đến 11 giờ
Chiều: Từ 16 giờ 30 đến 21 giờ
Chiều Thứ 7 và Chủ Nhật nghỉ.
Liên hệ: 0938895850
Vui lòng để lại tin nhắn khi máy bận.
THỐNG KÊ TRUY CẬP